image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Phê duyệt Đề án Phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030

UBND tỉnh Long An Phê duyệt "Đề án Phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập (đính kèm Đề án), gồm các nội dung chính sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

Phát triển làng nghề trồng mai bền vững, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, huy động sức mạnh cộng đồng, phát huy tối đa công năng của hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất làng nghề và kết nối phát triển du lịch.

Làng nghề trồng mai xã Tân Tây phát triển hài hoà giữa du lịch theo hướng sinh thái và giá trị nông nghiệp địa phương, phát triển bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long và nghề truyền thống của cộng đồng địa phương, đảm bảo không ngừng giao lưu văn hoá nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi, bản sắc.

Phát triển làng nghề hài hoà giữa cảnh quan sinh thái nông nghiệp hiện hữu với bố trí chỗ ở các điểm trải nghiệm ấn tượng cho du khách từ nông nghiệp, làng nghề, hài hoà với thiên nhiên, mà không làm xáo trộn đời sống của người dân địa phương.

2. Mục tiêu

Phát triển làng nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, ổn định sản xuất, phát triển làng nghề bền vững, xây dựng được tổ chức kinh tế tập thể gắn với hoạt động.

Mang lại giá trị tăng cao cho du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị tự nhiên, văn hóa cộng đồng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ GẮN VỚI DU LỊCH

1. Định hướng chung

Hiện nay, làng nghề trồng mai xã Tân Tây đang có nhiều cơ hội phát triển, đem lại nhiều lợi ích kinh tế và góp phần không nhỏ vào việc thay đổi hình ảnh nông thôn mới của huyện Thạnh Hóa nói riêng và cả tỉnh Long An nói chung. Để làng nghề trồng mai thật sự phát triển và tăng hiệu quả kinh tế, làng mai cần được đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo dạy nghề nâng cao chuyên môn. Việc làng nghề trồng mai xã Tân Tây được công nhận và có sản phẩm đạt chuẩn sẽ tạo điều kiện cho làng nghề phát triển thương hiệu, hoạt động bài bản, quy mô, nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển du lịch và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để phát triển toàn vẹn làng nghề gắn liền với du lịch thì cần thực hiện một số nội dung sau:

- Phát triển làng nghề phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

- Phát triển làng nghề phải phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

- Bảo tồn và phát triển nghề trồng mai, làng nghề trồng mai trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán cùng với sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống nhưng phải tinh xảo vừa hiện đại mang tính thương mại cao.

- Song song với việc bảo tồn cần phải tập trung phát triển nghề trồng mai và làng nghề trồng mai hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh về nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động,… nhằm góp phần tích cực giải quyết việc làm để nâng cao đời sống và thu nhập cho cư dân.

- Quy hoạch phát triển làng nghề được tiến hành đồng bộ với quy hoạch môi trường, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch hệ thống giao thông, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển sản xuất một cách hợp lý.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp gần làng nghề thuận tiện cho việc quy hoạch tổng thể mà vẫn giữ được những lợi thế đặc trưng của sản xuất tại làng nghề.

- Phát triển mô hình làng nghề gắn liền với hoạt động du lịch. Đây là mô hình được quan tâm trong phát triển du lịch nông thôn. Để thu hút khách du lịch không chỉ là sản phẩm của làng nghề, mà chính hoạt động sản xuất truyền thống ở làng nghề và các nghệ nhân tạo ra tính hấp dẫn riêng.

- Phát triển du lịch và làng nghề gắn liền với phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân tạo, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, tăng cường an ninh, quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.Với các làng nghề kết hợp với khu du lịch theo mô hình này, vấn đề vệ sinh môi trường sẽ được đặt ra như là một tiêu chí quan trọng trong việc quy hoạch làng nghề. Song song, phát triển du lịch văn hóa gắn liền với bảo tồn ngành nghề trồng mai của làng, phát huy giá trị bản sắc văn hóa địa phương. 

- Phát triển du lịch của làng mai với trọng tâm, trọng điểm là nghề trồng mai theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao và hiệu quả cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến và chú trọng phát triển nguồn nhân lực cao.

- Đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác; hình thành, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch mang nét riêng của làng mai và đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Long An.

2. Định hướng các nội dung cụ thể

a) Định hướng về phát triển làng nghề; Quy mô diện tích sản xuất, loại hình sản xuất chính; quy mô số hộ tham gia đến 2030

- Triển khai xây dựng các dự án về hạ tầng như xây dựng cầu, cống, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện để phục vụ hoạt động sản xuất cũng như hoạt động du lịch của người dân nơi đây.

- Quy mô, diện tích sản xuất đến năm 2030: bảo tồn và phát triển để số hộ dân trồng mai hiện tại và diện tích sản xuất tăng lên tối thiểu là 15% so với năm 2022, đến năm 2030 số hộ dân tham gia trồng mai cần tăng lên tối thiểu là 605 hộ dân trồng mai, với tổng diện tích tăng lên cần đạt được tối thiểu là 460 ha.

- Bảo tồn và phát triển loại hình sản xuất đã tồn tại tại địa phương nhằm giữ vững giá trị sản phẩm, thu nhập cho người trồng mai cũng như cung cấp các sản phẩm mai phục vụ cho việc phát triển du lịch.

b) Gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập từ nghề trồng mai

- Xác định giá trị, đặc trưng của cây mai tại xã Tân Tây là bộ rễ tại làng nghề trồng mai Tân Tây khác hẳn so với các sản phẩm cùng loại của các làng mai khác như làng mai vàng Bình Lợi của huyện Bình Chánh, Thành Phố Hồ Chí Minh, làng mai Phước Định của tỉnh Vĩnh Long,... Bộ rễ tại làng mai Tân Tây dài, to, khỏe, hình thù độc đáo có thể tạo thành điểm đặc trưng của làng nghề để trở thành giá trị cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đương trên thị trường.

- Xây dựng thương hiệu rõ ràng cho cây mai xã Tân Tây: đối với các sản phẩm mai hiện nay đang được phân phối trên các thị trường khắp cả nước, chưa có thương hiệu rõ ràng, người dân mua mai chưa phân biệt được các loại mai khác nhau như thế nào. Do cây mai của làng mai Tân Tây được trồng theo một lối khác biệt, với bộ rễ đặc biệt, để khẳng định giá trị, tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị sản phẩm cây mai của làng mai, cần phải xây dựng thương hiệu mai Tân Tây rõ ràng. Sớm triển khai hỗ trợ nhận diện thương hiệu, logo thương hiệu, mascot thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá và truyền thông thương hiệu.

- Xây dựng bộ ẩm thực đặc trưng: sáng chế tạo nên các món mới bằng cách du nhập các món của địa phương khác, chế biến và tạo thành nền ẩm thực riêng với chủ đề mai của Long An nói chung và xã Tân Tây nói riêng. Ưu tiên sử dụng các món có nguyên liệu địa phương như khoai mỡ, cá đồng, các món ăn trang trí với hoa mai, các món bánh hình hoa mai,... Ngoài ra cũng có thể làm ra các món bánh trang trí ở giữa bằng hoa mai, hoặc hình dạng chiếc bánh hoa mai.

- Tạo bộ cẩm nang về mai: để có một bộ tài liệu thông tin chung về quy trình trồng mai, các loại mai, các cách uốn thân cây mai, các sản phẩm có thể chế biến từ mai,… và đồng thời cẩm nang cung cấp các tiêu chí, tiêu chuẩn  đạt được chất lượng cây mai cao nhất.

- Đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn: để nâng cao chất lượng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng khi lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ, đáp ứng với xu thế mới, cần phải có đội ngũ nhân lực phục vụ sản xuất cũng như phục vụ dịch vụ đạt chuẩn. Việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dịch vụ, du lịch đạt chuẩn giúp khẳng định thương hiệu làng mai xã Tây Tây cũng như thu hút khách du lịch đến với làng mai.

- Tạo thêm dịch vụ xoay quanh sản phẩm mai: ngoài việc ươm trồng cây và uốn cây theo yêu cầu khách hàng. Cần hình thành các lớp dạy học tỉa, ươm, trồng các chậu bonsai mai; tạo hoạt động trải nghiệm ươm trồng mai, hái quả mai đổi quà; tổ chức các dịch vụ land tour bán mai; dịch vụ ăn uống, giải khát với các sản phẩm đặc trưng từ mai; câu lạc bộ mai sinh hoạt định kỳ hàng tháng.

- Thu hút vốn đầu tư: ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tại làng mai. Kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau để hoàn thiện và phát triển làng mai đạt chuẩn phục vụ du lịch, phục vụ các dịch vụ cho cộng đồng, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống người dân địa phương và tăng thu nhập địa phương.

c) Phát triển cảnh quan sinh thái làng nghề: cảnh quan vườn mai, cảnh quan sinh thái nông nghiệp

- Hướng dẫn các hộ dân trang trí đồng nhất hàng rào hoa kiểng xung quanh khu vực đất của mình và khu vực đất giáp ranh với đường giao thông nội vùng, hàng rào hoa dọc theo khu vực sông. Các loại hoa kiểng có thể trồng nên đa sắc màu tuy nhiên cần phải bền vững để lượng hoa, lá rụng dọc con đường đạt tối thiểu. Các hàng rào hoa nên xen canh với cây mai, cụ thể cần cây mai làm điểm nhấn tại các khu vực góc giới hạn của đất của các hộ dân. Ngoài ra, hiện nay lối vào của nhà dân chưa có cổng chào rõ ràng, nên xây dựng các cổng chào hình vòng cung nhỏ, trang trí thêm các chậu bonsai, cây kiểng để tạo nên nét riêng.

- Vận động người dân trồng mai ven đường và kích ra hoa xen kẽ nhau giữa các khu vực để tạo nên những con đường mai dọc theo các hộ gia đình trồng mai, tạo cảnh quan cho làng mai. Ngoài ra dọc các kênh rạch trồng các loại hoa mua tạo nên sắc thắm cho các tuyến đường sông.

- Trang trí các cầu nội vùng làng mai với các chậu hoa kiểng nhỏ, hoặc các chậu bonsai nhỏ để tạo những góc chụp hình, vừa cải thiện cảnh quan, vừa có thể tạo điểm nhấn để thu hút khách tham quan thuộc nhóm trẻ tuổi.

- Thành lập các hội, câu lạc bộ, hội quán hoạt động sáng tạo các chủ đề riêng gắn liền với sản phẩm mai, và trang trí theo chủ đề đó. Cụ thể như: câu lạc bộ đờn ca tài tử của làng có thể trang trí trước khu vực sinh hoạt của mình hình cây đàn nguyệt gắn hoa mai, hội phụ nữ trang trí nón lá hoa mai,…

- Tổ chức các phong trào thi đua trang trí, đổi mới cảnh quan theo mùa, theo sự kiện để tạo nên những nét sinh động cho làng nghề, cũng như thu hút khách tham quan gần xa đến với làng nghề. Các khu vực trồng nhiều cây kiểng, có thể xây dựng những góc chụp hình bằng cách xây dựng đường đi bằng mặt phẳng gỗ và dàn dựng cảnh chụp bằng một cặp ghế mây, một bộ bàn mây,… Trồng thêm các cây có bóng mát dọc các tuyến đường lớn, huyết mạch trên địa bàn xã Tân Tây như cây tràm, cây điệp.

- Tạo các hoạt động trên sông như thuyền thúng, bơi lội, chèo SUP,… tạo được trải nghiệm cho người dân địa phương, khách du lịch, vừa có thể cải thiện cảnh quan của các góc ven sông, không để khu vực bị hoang sơ.

d) Định hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể, dịch vụ tập trung trong làng nghề

Tuyên truyền, vận động các hộ dân sản xuất, kinh doanh tại làng nghề trồng mai vàng Tân Tây thành lập HTX và tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, cung cấp dịch vụ nhằm tiêu thụ sản phẩm mai giống, mai thương phẩm, phát triển các dịch vụ liên quan nhu cầu khách du lịch như: dịch vụ ăn uống (quán ăn - Nhà hàng - Cà Phê); hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí; lớp đào tạo kỹ thuật cây kiểng, bonsai; dưỡng cây thuê; dịch vụ giải trí.

đ) Định hướng phát triển các hoạt động kết nối với du lịch từ làng nghề: tham quan cảnh quan, lễ hội hoa mai, hoạt động trải nghiệm ươm trồng, tạo dáng, dịch vụ trải nghiệm ẩm thực địa phương trong làng nghề cụ thể tổ chức triển khai các hoạt động như:

- Hoạt động tham quan cảnh quan, chụp hình, tìm hiểu đời sống của các hộ trồng mai, giao lưu với người dân địa phương.

- Tổ chức Lễ Hội Mai Vàng Phương Nam vào Tết Dương Lịch hằng năm để du khách khắp mọi nơi có thể trải nghiệm, tìm hiểu rõ nét hơn về làng nghề trồng mai ở xã Tân Tây, trải nghiệm những ẩm thực địa phương trong làng nghề, trưng bày các sản phẩm OCOP của các địa phương, giao lưu văn hóa các vùng miền, trải nghiệm các hoạt động truyền thống của người Việt; Tổ chức tôn vinh người có công đem nghề về với làng.

- Trải nghiệm thực tế "Một Ngày Làm Người Chăm Mai" tạo cơ hội cho du khách hóa thân thành người trồng mai học hỏi kinh nghiệm trồng, tìm hiểu tiềm lực kinh tế từ làng nghề xã Tân Tây.

- Các hoạt động giao lưu cùng người dân địa phương của làng mai tại điểm sinh hoạt văn hoá của ấp. Trang trí lại các điểm sinh hoạt văn hoá của ấp hoặc hội quán để người dân có thể có nơi họp mặt, sinh hoạt tập thể, còn khách du lịch có thể cùng trải nghiệm đời sống dân dã, miền quê.

e) Định hướng liên kết tour, tuyến, vùng, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Long An, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam

- Xây dựng cẩm nang về du lịch tỉnh Long An. Mục đích của bộ cẩm nang này là để xúc tiến du lịch, giới thiệu về những điểm du lịch đặc sắc của tỉnh, và một trong những điểm nhấn cần được giới thiệu chính là làng nghề trồng mai xã Tân Tây như một mô hình chuẩn phù hợp cho du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các buổi cắm trại, xây dựng nhóm (teambuilding); thuyết minh của các điểm đến trên địa bàn tỉnh Long An.

- Tiếp tục đầu tư chỉnh trang tu bổ và mở rộng hệ thống giao thông cho làng nghề trồng mai Tân Tây. Tận dụng tối đa các dịch vụ phục vụ du khách như giao thông thủy, bộ, tận dụng các phương tiện không cơ giới trên bộ và tàu thuyền trên sông nước.

- Vận động người dân, nhà đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng hệ thống nhà nghỉ, homestay, cơ sở ăn uống phục vụ du khách.

- Triển khai các dịch vụ làm bánh dân gian, đặt rượu, dạo quanh làng mai xã Tân Tây bằng xe đạp các loại, xe điện, xuồng chèo, xuồng máy, phà cũng như các dịch vụ tổ chức lửa trại, hướng dẫn khách du lịch làm các loại bánh, ca hát và các dịch vụ về đêm cho du khách trải nghiệm.

- Xây dựng và bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa trong lành thân thiện, cởi mở, mới lạ để thu hút du khách; Đảm bảo tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho du khách, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Kết nối tour, tuyến, vùng, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Long An,  các tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam  và Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ  trọng tâm. Các điểm đến du lịch có thể kết nối với nhau để phát triển du lịch tỉnh Long An để tạo thành một đường tour du lịch bao gồm:

Nội vùng (trong tỉnh Long An):

 Hướng Mộc Hóa: tour kết nối với làng nổi Tân Lập - Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận. 

Hướng Tân An - Đức Hoà- Tân Trụ : tour kết hợp Làng cổ Phúc Lộc Thọ - các trang trại thanh long, chanh…, làng nghề khác.

Hướng Thủ Thừa (du lịch đường thủy). 

Ngoài tỉnh:

Làng nghề trồng mai Tân Tây - Tiền Giang.

Làng nghề trồng mai Tân Tây - Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).

Làng nghề trồng mai Tân Tây - Đồng Tháp - An Giang.

Các tour trong ngày hay ngắn ngày với Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc tế: Các tour đón khách qua cửa khẩu Bình Hiệp (biên giới Campuchia). 

g) Định hướng quy tắc ứng xử, bộ cơ chế quản lý du lịch

- Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong Làng nghề đối với: nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch; cộng đồng dân cư; với khách du lịch; doanh nghiệp lữ hành; giải pháp.

- Nguyên tắc xây dựng cơ chế quản lý cho Làng nghề: cơ chế quản lý được xây dựng trên quan điểm đồng thuận và nhất trí cao của người dân tham gia vào hoạt động du lịch của Làng nghề. Xây dựng cơ chế quản lý Làng nghề trồng mai Tân Tây kết hợp với du lịch theo nguyên tắc phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm dựa trên các cơ chế: cơ chế quản lý đồng quản lý (co-management); cơ chế quản lý có sự tham gia của dân địa phương (local resident's participatory); cơ chế quản lý trao quyền cho cộng đồng địa phương (authorizing for local community).

- Cơ cấu tổ chức - quản lý làng du lịch Tân Tây: xây dựng tổ điều phối du lịch cộng đồng, quy tụ thế mạnh của các tác nhân, các tổ nhóm là thế mạnh của làng nhằm khai thác thế mạnh các sản phẩm du lịch tại địa phương.

III. ĐỀ XUẤT CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN CỦA ĐỀ ÁN

1. Dự án đầu tư hạ tầng, cảnh quan phục vụ phát triển làng nghề kết hợp du lịch

- Xây dựng mới 4 cầu trên tuyến kênh xáng Thuỷ Tân (Bà Thầy, Cá Bống, Ổ Gà, Tam Lang) với chiều dài mỗi cầu là 22 m, ngang 4.5 m, tải trọng 8 tấn, thuộc công trình cấp 4.

- Xây dựng mới 3 cống hở (Thầy Thọ, Mương Lộ, Rọc Bí) chiều dài mỗi cống là 4 m.

- Xây dựng 1 Bến Phà xe Ô tô và Bờ kè chống sạt lở (đối diện Bến Cảng xã Long Thạnh).

- Nâng cấp nhựa hoá đường ven sông Vàm cỏ Tây (điểm đầu Đường 23 Thầy Pháp, điểm cuối đường giao thông nôn thôn Cả Ràng) dài 6 km.

- Xây dựng hệ thống chiếu sáng Đường ven sông Vàm Cỏ Tây (điểm đầu Đường 23 Thầy Pháp, điểm cuối Cả Ràng, dài 6 km).

- Xây dựng mới đường dây trung, hạ áp và TBA 50kVA khu vực Kênh Bến Bùi, ấp 4 xã Tân Tây.

- Xây dựng mới đường dây hạ áp và TBA 50kVA nhánh rẽ Kênh Thầy Pháp, ấp 4 xã Tân Tây.

- Xây dựng mới đường dây trung, hạ áp và TBA 50kVA Khu vực Kênh Mươn Lộ, ấp 3 xã Tân Tây.

- Xây dựng mới đường dây hạ áp và TBA 50kVA Khu vực Kênh Rạch Gia, ấp 3 xã Tân Tây.

- Công trình thu gom, xử lý rác thải: Xã Tân Tây có 1.224 hộ dân sinh sống tại 4 ấp là ấp 1, ấp 3, ấp 4 và ấp 5. Thu phí thu gom rác thực hiện theo Quyết định 1675/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của UBND huyện Thạnh Hoá về việc ban hành Bảng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Thạnh Hoá. Dự kiến số thùng rác là 210 thùng. Kinh phí mua thùng rác UBND huyện Thạnh Hoá chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch hỗ trợ theo quy định.

Thời gian thực hiện giai đoạn 2026-2030.

2. Dự án hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh (HTX, THT, doanh nghiệp,…) cho làng nghề trồng mai Tân Tây

Thành lập HTX mai kiểng Tân Tây với mục đích thực hiện các dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các thành viên HTX; tổ chức, tham gia hoạt động bán mai, cây cảnh và các hoạt động hướng dẫn du lịch, để HTX phát triển cần thực hiện hỗ trợ các nội dung: hỗ trợ thành lập và phát triển HTX mai kiểng Tân Tây; đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về HTX; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm; mẫu mã bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc; đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho HTX tại các địa phương. Xây dựng và triển khai website cho làng mai.

Tổng chi phí cho dự án hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh (HTX, THT, doanh nghiệp,…) cho làng nghề trồng mai Tân Tây: 1.486,8 triệu đồng.

Thời gian thực hiện giai đoạn 2022-2025.

3. Dự án về đào tạo nhân lực phát triển làng nghề kết hợp du lịch

Thường xuyên tổ chức các lớp học đào tạo theo chu kì 1 - 3 - 6 - 12 tháng để giúp nâng cao tay nghề cho người dân. Đối tượng đào tạo chủ yếu sẽ là những người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.

4. Dự án về hình thành điểm dừng chân kết hợp trưng bày sản phẩm

a) Xác định vị trí

- Điểm dừng chân thứ nhất tại Lâm viên Thanh niên, tại đây dự định sẽ thành lập "Trung tâm giáo dục nông nghiệp thực nghiệm và dịch vụ du lịch".

- Điểm dừng chân thứ hai sẽ được hình thành tại khu đất công khoảng 1.4 ha, tại đây sẽ thành lập Khu bảo tồn giống mai và dịch vụ du lịch.

- Điểm dừng chân đường thuỷ với các dịch vụ như ăn uống, cắm trại, homestay, glamping và là nơi tích hợp làm điểm trưng bày các giống mai tại khoảnh đất của ông Lục Văn Hiệp (khoảng 2 ha).

b) Xác định hình thức đầu tư: Kết hợp 2 hình thức đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước và từ nguồn xã hội hoá.

c) Tư vấn để xây dựng điểm dừng chân độc đáo, khác lạ có tính thu hút cao

Các điểm dừng chân xây dựng theo hướng phát huy giá trị văn hoá vùng sinh thái ngập nước và văn hoá Tây Nam Bộ nhằm thu hút khách đến tham quan và học tập tại đây. Trong đó cần chú ý các tiêu chí như: phân khu ăn uống, ẩm thực; vệ sinh riêng biệt; phòng cung cấp thông tin; khu vực giới thiệu và trưng bày, kinh doanh các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP; khu vực sinh hoạt cho cộng đồng; khu vực tập huấn, đào tạo, giáo dục; khu giới thiệu các mô hình; đảm bảo vệ sinh môi trường đạt tiêu chuẩn và nhiều hạng mục khác… nhằm tạo sức hút cho làng mai Tân Tây làm nổi bật hình ảnh một điểm dừng chân độc đáo, khác lạ và có tính thu hút cao.

d) Xác định các sản phẩm và hình thức trưng bày các sản phẩm OCOP tại điểm dừng chân

Sản phẩm bao gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, từ các giống cây mai: thực phẩm sơ chế, đồ uống không có cồn và có cồn; thảo dược; lưu niệm, trang trí;…

đ) Định hướng khu trải nghiệm các sản phẩm từ mai

Trải nghiệm các sản phẩm từ mai sẽ mang lại trải nghiệm của du khách trong không gian trong lành, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Các hoạt động trải nghiệm từ sản phẩm mai không chỉ mang tính chất giải trí mà còn mang đậm tính chất học tập, nghiên cứu về sinh thái, thổ nhưỡng và hoạt động để tạo nên sản phẩm từ mai và về cây mai.

5. Dự án về quảng bá, truyền thông về làng nghề trồng mai xã Tân Tây

a) Mục tiêu của dự án: Giúp hình ảnh Làng mai Tân Tây được lan rộng, thúc đẩy phát triển làng xã, tạo điều kiện công ăn việc làm và giúp gia tăng kinh tế, ổn định đời sống cho bà con nơi đây; Tăng giá trị sản phẩm địa phương, bên cạnh việc gìn giữ, bảo tồn, đầu tư dự án làng mai còn mang đến một mục tiêu khác đó là việc đầu tư phát triển, đổi mới và gia tăng giá trị sản phẩm khác của xã Tân Tây và địa phương khác.

b) Nội dung thực hiện:

- Tạo bộ nhận diện thương hiệu, mascot của Làng Mai: Tạo logo nhận diện thương hiệu; Slogan nhận diện thương hiệu.

- Tạo Mascot của Làng mai: Tạo Mascot - nhân vật đại diện cho hình ảnh của Làng mai Tân Tây.

- Định hướng bộ cẩm nang du lịch, cẩm nang về làng nghề trồng mai Tân Tây.

- Xây dựng câu chuyện làng nghề trồng mai Tân Tây.

- Quảng bá về làng nghề qua các phương tiện truyền thông, Website làng nghề trồng mai Tân Tây.

- Tổ chức các hội thi sản phẩm hoa kiểng, giao lưu sản phẩm gắn với các lễ hội hàng năm tạo sân chơi cho các nghệ nhân, nhà vườn trồng hoa, cây kiểng có cơ hội, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong nghệ thuật trồng, chăm sóc, lai tạo hoa, cây kiểng đẹp, độc đáo,…

- Tổ chức cuộc thi thiết kế dáng bonsai mai, cuộc thi cây kiểng tỉnh Long An, cuộc thi thiết kế vườn hàng rào cây kiểng,...

- Kết nối công ty lữ hành và các cơ quan thông tin báo chí: Ngoài việc quảng bá hình ảnh thông qua việc sử dụng các phương tiện truyền thông hay website,… thì việc giới thiệu làng mai với các công ty lữ hành sẽ giúp tạo được sự kết nối giữa hai bên. Đây sẽ là cơ hội cho những sản phẩm, chương trình du lịch về làng mai được ra đời bằng việc kết hợp với các hình thức du lịch sinh thái, du lịch xanh,…

6. Dự án phát triển kết nối với du lịch làng nghề trồng mai Tân Tây

a) Mục tiêu của dự án

- Phát triển du lịch mang bản sắc văn hóa riêng, có điểm nhấn là các di tích văn hóa, tâm linh và làng nghề; từ đó thu hút khách du lịch đến tham quan, kéo dài thời gian lưu trú tại địa phương.

- Xây dựng du lịch làng mai Tân Tây trở thành điểm trung chuyển, dừng chân, kết nối phát triển du lịch với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang.

- Đến năm 2030, phát triển du lịch Làng mai Tân Tây trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, hỗ trợ các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

- Phát triển du lịch gắn với giữ gìn, đảm bảo cảnh quan môi trường, trong đó 100% nước thải và nước sinh hoạt của người dân được thu gom, xử lý theo đúng tiêu chuẩn.

b) Nội dung của dự án

- Xây dựng các hoạt động tham quan, lễ hội, hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực, mua sắm.

- Kết nối tour, tuyến, vùng, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Long An, với các tỉnh khác của đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như toàn Việt Nam, trong đó, đạt trọng tâm kết nối du lịch liên tỉnh với 3 tỉnh lân cận phù hợp với tiềm năng sẵn có và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, cụ thể là: Thành Phố Hồ Chí Minh; tỉnh Đồng Tháp; tỉnh Tiền Giang.

- Xây dựng các cơ sở lưu trú, homestay… nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách tham quan.

- Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, các hoạt động liên quan đến môi trường, sinh thái, chăm sóc sức khỏe…

- Kết nối các hoạt động dân cư, cộng đồng hướng đến phát triển du lịch bền vững.

- Thu hút đầu tư, quảng bá và phát triển các hoạt động du lịch.

- Cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch; có chế độ ưu đãi đầu tư phù hợp với từng dự án cụ thể, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật để thu hút nguồn lực xã hội hóa vào các dự án phát triển du lịch tại địa phương.

- Ưu tiên các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; tôn tạo, tu bổ đình, chùa, đền đã xuống cấp...; đầu tư hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, các công trình phục vụ viễn thông và nhà vệ sinh, hệ thống xử lý rác và nước thải sinh hoạt; xây dựng các công trình hỗ trợ như: bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn, xây dựng bến thuyền đi lại sông Vàm Cỏ.

- Xây dựng chương trình nghiên cứu và đánh giá thị trường định kỳ làm cơ sở cho các hoạt động quản lý, xúc tiến phát triển.

- Xây dựng giải pháp cho sản phẩm du lịch mới: tăng cường công tác truyền thông về hình ảnh du lịch của tỉnh đến du khách cũng như cung cấp thông tin chi tiết hơn về các vấn đề: lưu trú, đi lại, ăn uống; làng mai Tân Tây cần tập trung giới thiệu các khu, tuyến, điểm, sản phẩm, dịch vụ, các dự án đầu tư phát triển du lịch; xúc tiến quảng bá, hướng đến việc nhận dạng thương hiệu du lịch từ các dòng sản phẩm chính, nổi bật du lịch làng nghề (tại Làng mai Tân Tây) kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ và du lịch vui chơi giải trí cuối tuần. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch, tạo sản phẩm mới và hấp dẫn thu hút du khách đến Long An.

- Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của làng nghề trồng mai kết hợp nhiều hình thức: du lịch sinh thái; du lịch sức khỏe; du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ; du lịch trải nghiệm mùa nước nổi;.

- Tổ chức các hoạt động trải nghiệm kết hợp sinh thái, bảo vệ môi trường.

- Xây dựng các hoạt động định kỳ, lễ hội thường niên.

- Lễ hội Mai vàng Phương Nam: nhằm xây dựng thương hiệu của cây mai vàng xã Tân Tây cũng như đem lại lượng khách tham quan. Các hoạt động như: hoạt động về giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Long An, trải nghiệm cây mai bonsai.

- Định hướng bản đồ số: Google Earth, Google Map, Bản đồ 3D: xây dựng bản đồ số tuyến điểm và cơ sở phục vụ du lịch tỉnh Long An.

- Tổ chức famtrip, presstrip khảo sát, và các tọa đàm góp ý kiến.

- Kết nối các công ty lữ hành và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Long An, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác của Việt Nam.

- Định hướng website cho Làng Mai Tân Tây và thông qua hoạt động du lịch để xây dựng hình ảnh làng nghề và các sản phẩm của làng nghề

7. Tổng hợp vốn đầu tư:  284.396,8 triệu đồng (đính kèm dự toán kinh phí).

Trong đó:

a) Nguồn ngân sách hỗ trợ:

- Nguồn ngân sách Trung ương: 1.031,8 triệu đồng.

- Nguồn ngân sách địa phương: 44.722 triệu đồng. Trong đó:

+ Cấp tỉnh: 10.842 triệu đồng.

+ Cấp huyện: 33.880 triệu đồng.

+ Cấp xã: 0 đồng.

b) Nguồn vốn khác:

- Nguồn vốn doanh nghiệp: 228.443 triệu đồng.

- Nguồn vốn dân: 10.200 triệu đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì và phối hợp các Sở, ngành, UBND huyện Thạnh Hoá và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi bổ sung Đề án khi cần thiết.

-  Kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện Đề án để xử lý, hỗ trợ kịp thời cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện Đề án;

- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở,
ngành, địa phương tổ chức đánh giá việc thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh.

2. Các Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải; Xây dựng trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề án được duyệt và khả năng cân đối ngân sách, lồng ghép các nguồn kinh phí từ chương trình, dự án khác tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

3. UBND huyện Thạnh Hoá

- Căn cứ vào nội dung Đề án Phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt và các điều kiện của địa phương chỉ đạo các phòng ban có liên quan, UBND xã Tân Tây xây dựng Kế hoạch, dự án để triển khai thực hiện Đề án.

- Huy động các nguồn lực, kêu gọi đầu tư triển khai thực hiện Đề án; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia Đề án.

638006410655278230_9170_QĐ-UBND_03-10-2022_QĐ-PHE DUYET DE AN LANG MAI TAN TAY HUYEN THNAH HOA (6242-SNN).signed (1).pdf

638006410655278230_9170_QĐ-UBND_03-10-2022_PHU LUC DE AN LANG MAI TANM TAY (6242-SNN).signed.pdf


Tin liên quan
1 2 3 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement