Lịch sử
1. Lịch sử hình thành huyện Thạnh Hóa
Thạnh Hóa được biết đến là vùng đất mới trong công cuộc khai mở và khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười và chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện vào tháng 9 năm 1989, nhưng vùng đất này trên thực tế đã có lịch sử lâu đời, ghi dấu những tên đất, tên người nơi đây đấu tranh với thiên nhiên, mở đất dựng nghiệp.
Đã có những di tích khảo cổ học để có thể khẳng định có con người sinh sống vào thời tiền sử muộn trên các gò đất phù sa cổ cho thấy nơi đây từng là địa bàn của nền văn minh Óc Eo một thời rực rỡ, sau đó tàn lụi nhanh chóng trong lòng châu thổ thấp, để rồi trải qua giấc ngủ dài trong sự hoang vắng hàng nhiều thế kỷ trước khi lưu dân người Việt đến đây khẩn hoang lập ấp.
Trong dòng chảy Nam tiến, do khả năng vật chất, trình độ kỹ thuật và điều kiện nhân lực lúc bấy giờ, ông cha ta đến đây muộn hơn những nơi khác, theo Địa bạ triều Nguyễn (1836) cho thấy đến giữa thế kỷ XIX vẫn còn hoang hóa.
Thực dân Pháp xâm lược (1859) mở ra nhiều biến động về kinh tế-xã hội và cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương trong những năm 1864-1866 ở Đồng Tháp Mười làm tốc độ khai phá ở đây nhanh hơn và hội nhập trọn vẹn hơn vào truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc.
Năm 1914, tổng Mộc Hóa được thành lập (gồm 21 làng), đến năm 1916 thì nâng lên thành quận, thuộc tỉnh Tân An, những địa danh ở đây như Thuận Bình Đông, Thủy Đông, Thuận Nghĩa Thượng lần đầu tiên xuất hiện với tư cách hành chính, về cơ bản là địa bàn huyện Thạnh Hóa ngày nay (1. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã mở ra cho vùng đất này một thời kỳ mới. Nằm trong căn cứ Đồng Tháp Mười vang danh cả nước, cuộc kháng chiến bưng biền đã đem lại cho mảnh đất này một diện mạo mới, từ đời sống kinh tế đến văn hóa tinh thần. Những thành quả đó cùng với phong trào du kích chiến tranh và những chiến công vang dội khác đã đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm trên vùng đất được mệnh danh là "Việt Bắc của Nam Bộ".
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành một loạt các điều chỉnh về địa giới hành chính để sau đó đến ngày 10-3-1959, bằng Sắc lệnh số 57/NV, một quận mới tên là Tuyên Nhơn được thành lập, gồm 2 tổng, 6 xã, là: tổng Mỹ Bình Thượng (gồm các xã Thuận Nghĩa Hòa, Thạnh Phú, Phong Phú) và tổng Mỹ Bình Hạ (gồm các xã Tân Đông, Thủy Đông, Thạnh Phước), quận lỵ đặt tại xã Thủy Đông (2. Đó chính là địa bàn huyện Thạnh Hóa ngày nay.
Sau ngày thống nhất đất nước, địa bàn huyện Thạnh Hóa lúc bấy giờ là các xã Thuận Nghĩa Hòa, Tân Đông, Thủy Đông và Thạnh Phước, thuộc huyện Mộc Hóa; và từ năm 1980, vừa thuộc huyện Mộc Hóa (xã Thạnh Phước) vừa thuộc huyện Tân Thạnh (các xã Thủy Đông, Tân Đông và Thuận Nghĩa Hòa).
Ngày 26-6-1989, theo Quyết định số 74-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, huyện Thạnh Hóa chính thức được thành lập từ phần đất tách ra của hai huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh, gồm 1 thị trấn là thị trấn Thạnh Hóa và 10 xã là Tân Đông, Tân Tây, Thủy Đông, Thủy Tây, Thuận Nghĩa Hòa, Thuận Bình, Thạnh Phước, Tân Hiệp và Thạnh Phú với diện tích tự nhiên ban đầu là 43.807, 75 ha, dân số 30.919 người. Đến ngày 15-5-2003, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2003/NĐ-CP, lập thêm xã mới Thạnh An từ phần đất được tách ra từ xã Thủy Tây (4). Ngày 5-9-1989, tại Ủy ban nhân dân huyện Tân Thạnh, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức công bố quyết định và giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân lâm thời huyện Thạnh Hóa để huyện chính thức đi vào hoạt động.
Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, từ lúc ông cha ta đến đây trong dòng chảy Nam tiến, đến khi Thạnh Hóa trở thành đơn vị hành chính cấp huyện như ngày nay là một tiến trình kết tinh của mồ hôi, xương máu, trí tuệ của nhiều thế hệ.
2. Tiến trình phát triển huyện Thạnh Hóa trên các lĩnh vực
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước bước vào thời kỳ hòa bình thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhân dân huyện Thạnh Hóa ngày nay (lúc đó là Vùng 6, tỉnh Kiến Tường) cùng với cả tỉnh, cả nước chuyển sang nhiệm vụ cách mạng mới là tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai năm đầu (1975-1976) với nền kinh tế-xã hội vừa ra khỏi chiến tranh, các xã thuộc huyện Thạnh Hóa ngày nay, vừa tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh vừa sắp xếp lại bộ máy, xây dựng cuộc sống mới, xã hội mới; dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Kiến Tường, đã giữ vững niềm tin, phát huy khí thế chiến thắng, củng cố bộ máy chuyên chính vô sản, giữ vững an ninh chính trị và khôi phục kinh tế-xã hội, bước đầu ổn định đời sống nhân dân, từng bước giải quyết những đặc điểm mới, nhu cầu mới và nhân tố mới của xã hội thời bình.
Hơn mười năm sau đó (1977-1989), các xã thuộc huyện Thạnh Hóa ngày nay, lúc bấy giờ một phần thuộc địa bàn huyện Mộc Hóa, một phần thuộc huyện Tân Thạnh (mới thành lập), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ hai huyện bước vào thực hiện nhiệm vụ cùng với vùng Đồng Tháp Mười và cả tỉnh vừa khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đồng thời tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Nhân dân Thạnh Hóa lúc đó đã cùng toàn tỉnh ra sức khắc phục khó khăn và diễn biến phức tạp của tình hình, vượt qua nhiều hạn chế, ràng buộc của cơ chế quan liêu bao cấp, tìm tòi, triển khai những mô hình mới, phát huy những nhân tố tích cực, dù gặp không ít trở ngại, khó khăn, phát sinh tiêu cực, đã từng bước điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, để đến khi công cuộc đổi mới mở ra trên phạm vi cả nước từ năm 1986, chuyển dần sang nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước.
Từ Đại hội lần thứ V, VI Đảng bộ Thạnh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp tập trung lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Nắm bắt thời cơ vượt qua khó khăn thách thức trong thời kỳ hội nhập huyện đã chủ động đề ra các chương trình đột phá và các công trình trọng điểm, từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng, kỹ thuật Thị trấn Thạnh Hóa; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; các chương trình an sinh xã hội; xây dựng đời sống văn hóa mới... đã làm thay đổi diện mạo của huyện. Từ huyện thuần túy nông nông nghiệp đến nay đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Gần 30 năm xây dựng và phát triển (1989-2019). Qua 6 kỳ đại hội, Thạnh Hóa tiếp tục sự nghiệp đổi mới với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ bao cấp sang phát triển theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Vượt qua nhiều khó khăn chủ quan lẫn khách quan, phát huy những thành tựu đạt được, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đưa kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và đi dần vào hướng bền vững, đời sống kinh tế-xã hội huyện chuyển biến tích cực. Giai đoạn (1989-2019), Thạnh Hóa đã có bước chuyển mình vượt lên trên khó khăn, thiếu thốn, từ những hạn chế và bức bối kéo dài của hình thức quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa theo cơ chế quan liêu bao cấp ở cuối thập niên 70 - 80 và những thách thức trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng bộ và nhân dân Thạnh Hóa đã nắm bắt cơ hội, có nhiều chủ trương và giải pháp sáng tạo, đạt được những thành tựu to lớn.
Về kinh tế, nhờ làm tốt công tác quy hoạch ngay từ khi thành lập huyện, các thế hệ lãnh đạo, nhất là thế hệ cán bộ đầu tiên đã đặt nền tảng cho sự phát triển về sau, đặc biệt là phát huy nguồn lực đất đai, con người vào phát triển sản xuất nông nghiệp. Qua từng giai đoạn lịch sử, những thành tựu có tính chất đột phá như ứng dụng kỹ thuật sạ ngầm trên đất phèn trong trồng lúa trong những năm 1990, rồi chuyển lên hai vụ trong những năm sau đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường; xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao gắn với công nghiệp chế biến nông sản…và những thành tựu có tính chất lâu dài như xây dựng kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm, nước sạch, trạm bơm điện, thông tin liên lạc... Đặc biệt là hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh do được đầu tư xây dựng từ những năm đầu thành lập huyện, để tiến lên xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ ổn định dân sinh; cùng với việc nâng cấp, xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ làm thay đổi cơ cấu kinh tế, làm phong phú thêm các họat động kinh tế vốn thuần nông để chuyển dần sang phát triển nông sản hàng hóa, đã làm thay đổi diện mạo vùng đất này. Trong nỗ lực tìm hướng đi mới cho tương lai, bằng nhiều nỗ lực về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay Thạnh Hóa đã trở thành huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các nguồn lực đang được khai thác có hiệu quả, sẵn sàng cho bước đột phá mới, mạnh mẽ, hướng đến sự phát triển hài hòa và bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Về văn hóa-xã hội, những nỗ lực trong công tác giáo dục như quy hoạch lại các điểm trường hợp lý hơn, thực hiện và nhân rộng chương trình tiếp sức đến trường (từ Đại hội III), nâng cao chất lượng dạy và học...đến nay Thạnh Hóa có 16 trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, huyện đạt chuẩn PDPCMN trẻ 5 tuổi, PCGDTH mức độ 3; PCTHCS mức độ 1. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo thường xuyên; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế không ngừng được đầu tư, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; Các chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, các chương trình xóa đói-giảm nghèo, giảm nghèo-việc làm, cùng với việc hình thành các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư khá đồng bộ: như Trung tâm văn hóa huyện, Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Học tập cộng đồng các xã, thị trấn; các công trình bia, đài về lịch sử truyền thống và cách mạng… đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Đên thời điểm tháng 12 năm 2017, huyện có 14.106/ 14.505 hộ gia đình đạt dan hiệu "Gia đình văn hóa", 100% ấp, khu phố đạt chuẩn "ấp, khu phố văn hóa"; 100% cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa; có 8/11 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa.
Về an ninh-quốc phòng, những nỗ lực vươn lên về mọi mặt từ xây dựng lực lượng đến củng cố quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị về quốc phòng và an ninh quốc gia, đã giữ vững ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, làm nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của địa phương và giữ vững an ninh biên giới, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền và nhân dân nước bạn Campuchia, ngày càng xứng đáng với vị trí tiền tiêu an ninh quốc phòng của tỉnh và cả nước.
Về xây dựng hệ thống chính trị, qua các kỳ đại hội, Đảng bộ huyện luôn nghiêm khắc nhìn lại quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng để đào tạo, bồi dưỡng trình độ và năng lực cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên được xem là nhiệm vụ trọng tâm, việc tổ chức học tập quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đảng viên tham gia đạt 98%. Thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cải cách hành chính Nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ... đã thu được những thành quả đáng khích lệ góp phần làm cho hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, kiện toàn, dân chủ trong xã hội được phát huy, tạo sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Phát huy vai trò giám sát và phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân được giữ vững, đồng bào các tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo", phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhìn lại chặng đường đã qua, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân huyện Thạnh Hóa có thể tự hào là thế hệ kế thừa xứng đáng truyền thống Cách mạng của các bậc cha anh đi trước khi đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đảng bộ huyện đề ra trong thời kỳ mới. Trãi qua bao gian khó Thạnh Hóa hôm nay đã thật sự chuyển mình viết nên một trang sử mới trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, biến ước mơ và khát vọng từ bao đời nay của các thế hệ đi trước thành hiện thực. Từ một vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, dân cư thưa thớt sau ngày giải phóng, lại chịu hậu quả nặng nề sau bao năm tháng chiến tranh, trở thành một huyện đầy tiềm năng trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với hơn 57.000 dân, Thạnh Hóa đã và đang thay đổi từng ngày, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, hứa hẹn triển vọng phát triển nhanh và bền vững trong quá trình hội nhập./.
(1) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Gia Định, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
(2)Địa phương chí tỉnh Kiến Tường, VHCH, 1963.
((4) Tại Quyết định số 37-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, ngày 4-4-1989, xã Thạnh Phước (của huyện Mộc Hóa) được chia ra để lập thêm một xã mới là Thạnh Phú. Tại Quyết định số 74-HĐBT ngày 26-6-1989, một số xã thuộc huyện Tân Thạnh được phân chia để lập thêm xã mới, đó là: tách một phần đất từ xã Thuận Nghĩa Hòa lập xã Thuận Bình, tách một phần đất từ xã Thủy Đông lập thị trấn Thạnh Hóa, chia phần còn lại của xã Thủy Đông thành hai xã là Thủy Đông và Thủy Tây, chia xã Tân Đông thành Tân Đông và Tân Tây; ở huyện Mộc Hóa, chia xã Thạnh Phước ra thành hai xã là Thạnh Phước và Tân Hiệp. Huyện Thạnh Hóa được thành lập từ các xã được chia tách trên (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện sử học, Nguyễn Quang Ân, Việt Nam, Những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 -1997, Nxb Văn hóa - Thông tin Hà Nội 1997).