image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0
Truyền thống văn hóa

TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ

TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THẠNH HOÁ

                                                                             _________________________

 

         1. Truyền thống văn hóa

         Huyện Thạnh Hoá nằm trong vùng đất Đồng Tháp Mười, từ những ngày đầu khai phá đến đầu thế kỷ XVIII  nơi đây chưa có tên gọi. Từ thế kỷ XVIII trở đi người ta gọi nơi đây là Đồng Tháp Mười, đó là một vùng đất trũng, hoang vu thưa thớt bóng người, khắp nơi là rừng rậm đầm lầy và những rừng tràm bạt ngàn, xứ sở của các loài muôn thú; chim, cá, rắn, rùa….Nhưng từ thế kỷ XVIII trở đi tòan cảnh vùng nầy bắt đầu biến đổi, nhiều nông dân  nghèo từ miền trung rời bỏ quê hương lưu tán đến vùng đất Đồng Nai, Sài Gòn-Gia Định, lần lần đi sâu xuống Bến Lức-Tân An và từng bước tiến sâu về Đồng Tháp Mười theo hướng Tây-Bắc dọc theo sông Vàm Cỏ Tây.

         Những người lưu dân đến đây đã biến Đồng Tháp Mười từ vùng đất hoang vu rừng rậm, đầm lầy thành những khu dân cư nhộn nhịp, buôn bán giao lưu trao đổi hàng hóa bắt đầu phát triển. Trong quá trình chinh phục thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống những đức tính vốn có như: cần cù, chịu khó, sáng tạo của những người cùng cảnh ngộ nghèo khó, phiêu bạt, lao động cực nhọc để kiếm sống ngày càng được phát huy, đồng thời làm nẩy nở nhiều đức tính tốt đẹp trong quan hệ sinh hoạt với nhau như: sống đòan kết, chuộng nghĩa tình, sống thủy chung, sẳn sàng chia bùi xẻ ngọt, tối lửa tắc đèn có nhau…. Trong gia đình luôn ánh lên nét đẹp truyền thống thể hiện trong mối quan hệ giữa các thành viên như: kính trên, nhường dưới, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng thủy chung, anh em hoà thuận. . .vv.

         Thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười bao la, vừa khắc nghiệt vừa hào phóng đã ban tặng con người với lúa trời, bông súng, cá, tôm cùng những sinh vật hoang dã….đã góp phần tạo cho người dân nơi đây một nếp sống hào hiệp, phóng khoáng yêu thiên nhiên và ưa thí ch tự do. Những đức tính ấy ngày càng được bồi đắp và nâng lên hoà quyện vào đạo lý truyền thống dân tộc như: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương","Máu chảy ruột mềm","Lá lành đùm lá rách"….vv

         Ngày nay, đạo lý truyền thống ấy vẫn luôn toả sáng khi đồng bào Miền trung, Miền tây bị bão lụt….và tinh thần ấy càng sáng tỏ hơn trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: "xoá đói giảm nghèo", "uống nước nhớ nguồn","Đền ơn đáp nghĩa", "Phát động ngày vì người nghèo"…..góp phần giải quyết tốt những vấn đề xã hội nhằm hướng đến mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh".

          2. Lễ hội truyền thống trên quê hương Thạnh Hóa

          Lễ hội xuất hiện từ xa xưa, luôn gắn liền với cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng. Do điều kiện sống và sinh hoạt mỗi vùng không giống nhau nên sinh hoạt lễ hội cũng khác nhau.

         Trên quê hương Thạnh Hoá hiện đang tồn tại 2 dạng lễ hội; Lễ hội mang tính gia đình, lễ hội mang tính xã hội:

         2.1. Lễ hội mang tính gia đình

         Bao gồm lễ cưới, lễ hỏi, lễ đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, mừng thọ….(tính dương). Lễ tang, lễ làm tuần, lễ giổ….(tính âm). Hầu hết các gia đình sinh sống trên địa bàn huyện dù có đạo hay không đều có truyền thống tổ chức lễ hội gia đình.

         Việc tổ chức các lễ hội gia đình là một nhu cầu vô cùng thiêng liêng và mang tính huyết thống đời người, gắn với lịch sử tộc họ trong cộng đồng dân cư.

         Ngày nay lễ hội mang tính gia đình có sức lan tỏa rộng, tuy mang tính gia đình nhưng là việc trọng đại của mọi nhà và của cả cộng đồng.

         2.2. Lễ hội mang tính xã hội

         Bao gồm lễ hội dân gian cổ truyền và lịch sử truyền thống:

         *Lễ hội dân gian cổ truyền: Gồm lễ cúng đình, cúng miếu….được hình thành từ xa xưa và truyền lại trong các cộng đồng nông thôn ngày nay. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 đình làng do Ban quản trị đình cai quản và tổ chức lễ cầu an hàng năm gồm:

          Đình trung Thạnh Phước, tổ chức lễ cầu an ngày 11-12/ 03 ( Âm lịch)

          Đình liên xã Thuận Nghĩa Hoà, tổ chức lễ cầu an ngày 22-23/ 03(Âm lịch) 

          Đình liên xã Thị Trấn, tổ chức lễ cầu an ngày 11-12/ 03 (Âm lịch)

          Đình Tân Đông, tổ chức lễ cầu an hàng năm vào 2 ngày 16/ 01 và 16/ 07 (Âm lịch)

         Các đình làng được xây dựng trong thế kỷ XIX, trong chiến tranh bị tàn phá nặng nề, sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng được nhân dân khôi phục thờ cúng và tổ chức lễ hội hàng năm.

         Biểu tượng thờ cúng: Các vị thần linh, các vị anh hùng vong thân, những người có công với nhân dân đất nước.

         Nghi thức thờ cúng: Trống mõ, nhang đèn, nhạc lễ, xôi thịt, hoa quả, nhân dân đi lễ đình làng khấn nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cơm no áo ấm…

         * Lễ hội lịch sử truyền thống:

         Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Thạnh Hoá được Đảng, Nhà Nước phong tặng danh hiệu"Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"cho 02 tập thể, 02 cá nhân, phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng" cho 40 bà mẹ, công nhận 1980 hộ gia đình có công với đất nước, trong dó có 766 liệt sĩ, 238 thương-bệnh binh.

         Sau 30/04/1975 để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến Đảng, Nhà nước và nhân dân huyện đã xây dựng 01 bia truyền thống tại xã Thạnh Phước, 02 nhà bia ghi tên liệt sĩ tại xã Thuận Nghĩa Hoà và xã Thuỷ Đông. Hàng năm vào ngày 27/7 (Ngày Thương binh-Liệt sĩ) Đảng, chính quyền và nhân dân các xã-thị tổ chức lễ tưởng niệm với sự tham gia của đại diện huyện uỷ, ủy ban nhân dân và các ngành đoàn thể huyện.

         Nghi lễ được tổ chức trang trọng tại bia truyền thống và nhà bia tưởng niệm, đại diện Đảng, Nhà nước các ngành đoàn thể và nhân dân đến thắp hương tưởng niệm công lao các anh hùng liệt sĩ có công với quê hương, đất nước và cầu nguyện cho đất nước thanh bình, cuộc sống ấm no…..                                                                                                                                      

         3. Tín ngưỡng Tôn giáo

         3.1. Tín ngưỡng

         Nhân dân Thạnh Hóa hơn 90% là người không theo đạo, nhưng có truyền thống "Thờ cúng tổ tiên ông bà", tuy không theo một tôn giáo nào nhưng trong tâm tưởng họ vẫn tồn tại một lực lượng siêu nhiên, thần bí như: Trời, Phật, Thánh thần…. Có khả năng tác động đến đời sống tâm linh của họ nên họ có nhu cầu lập bàn thờ cúng Trời, Phật, người quá cố và làm lễ tang, lễ làm tuần, lễ giổ cho người thân trong gia đình khi qua đời. Hàng năm vào các ngày đầu năm, ngày vía… Người dân thường tổ chức đi núi, thăm chùa dâng hương lễ phật cầu an cho gia đình và cầu cho việc mua bán, kinh doanh phát đạt….

         3.2. Tôn giáo

         Huyện Thạnh Hoá có 3 tôn giáo chính gồm; Phật giáo, Cao đài, Công giáo và một nhóm ít người theo đạo Tin lành. Trong từng tôn giáo cũng có những hệ phái khác nhau, trong mỗi hệ phái có những biểu hiện khác nhau về hình thức và niềm tin.

         *Phật giáo:

          Hiện nay huyện có 3 chùa đều toạ lạc trên địa bàn thị trấn Thạnh Hoá, các chùa đều có trụ trì, tăng ni, phật tử với 1112 tín đồ sinh sống khắp các xã-thị trên địa bàn.

         -Giáo lý cơ bản: Bộ giáo lý gồm 3 tạng kinh; Kinh- Luật- Luận với hàng vạn quyển sách.

         -Nghi thức cơ bản: Gồm y áo, mõ, chuông, nhang đèn, hoa quả, dâng hương, tụng niệm….Nghi thức đạo phật là hình thức góp phần tăng thêm tính thiêng liêng cho Phật giáo.

         -Những ngày lễ trọng: Có 3 ngày lễ chính như sau:

         Mùng 8/ 1 lễ cầu an đầu năm.

              Mùng 8/ 4 lễ Phật đản.

              Ngày 14,15/ 7 lễ Vu lan báo hiếu.

         Ngoài ra còn có các ngày lễ: 15/1 lễ Thượng ngươn, 15/7 lễ Trung ngươn, 15/10 lễ Hạ ngươn và các ngày tưởng niệm Đức Quan thê âm, Đức Địa tạng vương, Đức Thích ca thành đạo…..

         *Cao đài:

          - Có 3 hệ phái chính gồm: Cao đài Tây Ninh, Cao đài Tiên Thiên, Cao đài Ban Chỉnh với 1892 tín đồ sinh sống hầu hết các xã thị trong huyện.

              Cao đài Tây Ninh: 1032 tín đồ, Thánh thất tại Thạnh Phú.

              Cao đài Tiên thiên:  687 tín đồ, Thánh tịnh tại Thủy Tây.

              Cao đài Ban chỉnh:  173 tín đồ, Thánh thất tại Thạnh Phú

         - Giáo lý cơ bản: Giống giáo lý đạo phật có bổ sung phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.

         - Những ngày lễ trọng: Giống các ngày lễ của đạo phật và các ngày vía trong năm.

         * Công giáo:

          Hiện có 3 giáo xứ  với 1915 tín đồ sinh sống tập trung ở các địa phương có cơ sở thờ tự.

              Giáo xứ  Vườn Xoài:   652 tín đồ, toạ lạc tại Thuận Nghĩa Hoà.

              Giáo xứ Nước Trong:  669 tín đồ, toạ lạc tại Thủy Đông.

              Giáo xứ  Tân Đông:    561 tín đồ, toạ lạc tại Tân Đông.

         - Giáo lý cơ bản: Thể hiện trong kinh thánh, kinh thánh có giá trị đặc biệt thiêng liêng đối với tín đồ công giáo," Không biết kinh thánh là không biết Chúa Kitô"

         - Những ngày lễ trọng: Có 4 lễ chính như sau:

Lễ Chúa Giáng sinh 25/12.

Lễ đức Chúa lên trời (Sau lễ phục sinh 40 ngày)

Lễ Đức Mẹ lên trời 15/8.

Lễ các Thánh 01/11.

         Ngoài ra còn có các ngày lễ khác như: Chủ nhật quanh năm, lễ Phục sinh, lễ Chúa Thánh thần…..

         *Tin lành:

          Không có cơ sở thờ tự, có 92 tín đồ sinh sống rãi rác ở các xã Tân Hiệp, Tân Đông, Thủy Đông. Các tín đồ đạo tin lành tu tại gia, tổ chức cầu nguyện vào thứ tư hàng tuần.

         Đa số các tín đồ tôn giáo ở Thạnh Hóa là nông dân lao động gắn bó với đồng ruộng quê hương, có tinh thần dân tộc, gắn bó với độc lập tổ quốc. Các tín đồ tôn giáo có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

         Trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng ta thừa nhận tín ngưỡng tôn giáo là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo tôn giáo có những điều còn phù hợp với sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới, và còn tồn tại lâu dài bên cạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

         4. Những nhân vật, địa danh anh hùng

         4.1. Nhân vật anh hùng

         Nhân dân Thạnh Hoá có tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, là nơi sản sinh ra những nhân vật anh hùng.

         *Anh hùng: NGUYỄN VĂN KHÁNH (tức Nguyễn Văn Be) Sinh năm 1940 quê quán xã Thạnh Phước, tham gia cách mạng từ rất sớm, chức vụ xã đội trưởng xã Thạnh Phước, Đảng viên Đảng Cộâng sản Việt Nam. Trong 9 năm trực tiếp tham gia chiến đấu, dồng chí đã cùng đồng đội chiến đấu 190 trận, diệt 2600 tên địch, riêng Anh diệt và làm bị thương trên 300 tên trong đó có 2 lính Mỹ, diệt gọn 1 trung đội biệt kích, 1 tiểu đội bảo an, đánh thiệt hại nặng 2 trung đội bảo an khác, bắn cháy, chìm và phá hủy 04 tàu sắt, 01 tàu dầu, 02 thuyền máy Hô-Bo cao tốc, đánh 06 đồn 06 tua, thu 62 súng các loại.

         Đồng chí Nguyễn Văn Khánh hy sinh ngày 22/04/1969 trong một trận tập kích tàu chiến địch tại đường Rạch Bàng xã Thạnh Phước. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/12/1994.

         *Anh hùng: VÕ VĂN THÀNH. Sinh 1950 quê quán xã Thạnh Phú huyện Thạnh Hoá, tham gia lực lượng công an nhân dân, công tác tại đơn vị công an an ninh tỉnh Kiến Tường, cấp bậc thượng sĩ, hy sinh ngày 01/04/1973 tại xã Nhựt Ninh huyện Tân Trụ tỉnh Long An. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2000.

         4.2. Địa danh anh hùng

         Thạnh Hoá có 2 xã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

         * Quân dân xã Đông Thuận (xã Thủy Đông và Thuận Nghĩa Hoà ngày nay). Trong 21 năm đánh Mỹ quân, dân Đông Thuận đã đánh địch hơn 500 trận lớn nhỏ, nhân dân ở đây "binh vận" làm tan rã tại chỗ 2 tiểu đoàn địch (khoảng 500 lính và sĩ quan cấp thấp), bắn cháy 03 tàu sắt, 01 tàu cây, bắn rớt 04 máy bay lên thẳng 01 máy bay phản lực F105, diệt và làm bị thương gần 4.000 tên địch, trong đó có 25 lính viễn chinh Mỹ. Riêng đợt tập kích đồn A, đồn B ta làm rã ngũ 1.500 binh lính ngụy, trong đó có 02 đại đội địch được điều từ An Giang lên.

         Nhân dân và du kích Đông Thuận làm hàng triệu chông sắt, sản xuất trên 20 tấn vũ khí tự tạo (thủy lôi và các loại trái gài). Quân dân Đông Thuận được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" ngày 20/12/1994.

         * Quân dân xã Thạnh Phước (Thạnh Phú-Thạnh Phước). Trong 21 năm đánh Mỹ quân dân xã Thạnh Phước đã đánh địch trên 300 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên địch, trong đó có gần 30 lính viễn chinh Mỹ. Nhân dân đã gọi hàng và làm tan rã hơn 1.100 tên địch, trong số bị loại khỏi vòng chiến đấu có 03 đại đội biệt kích, bắn cháy 06 tàu mặt dựng, bắn cháy và làm chìm 03 chiết Ho-Bo, bắn rơi 01 máy bay phản lực F105, 01 máy bay trinh sát L19, 01 máy bay lên thẳng chiến đấu. Quân dân xã Thạnh Phước sản xuất trên 15 tấn vũ khí thô sơ, hàng triệu chông đinh và chông sào.

         Với thành tích chiến đấu trên, quân dân xã Thạnh Phước được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" ngày 20/12/1994.

         5. Các mệ VNAH - Gia đình có công cách mạng

         Trong lịch sử đấu tranh cách mạng chống quân xâm lược, Thạnh Hoá có 40 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quí "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Hiện nay có 23 Bà mẹ đã mất, 17 Bà mẹ còn sống hiện được các cơ quan đơn vị trong và ngoài huyện nhận phụng dưỡng đến cuối đời.

         Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Thạnh Hoá có 1.980 gia đình có công với đất nước trong đó có 766 liệt sĩ, 238 thương, bệnh binh được Nhà nước tặng thưởng 1.013 huân chương, 770 huy chương các loại.       


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement